Phong trào "Mùa đông binh sỹ" Áo trấn thủ

Kiểu áo trấn thủ ra đời nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Phong trào toàn dân may áo trấn thủ ủng hộ bộ đội được diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, rộng khắp mọi nơi, mọi ngành, mọi giới. [3]

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khi phát động phong trào may áo rét cho chiến sỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem chiếc áo sợi duy nhất của mình góp vào quỹ vận động. Xúc động trước tình thương yêu chiến sỹ của Người, nhiều người dân Hà Nội muốn mua chiếc áo đó để ủng hộ cách mạng và làm vật kỷ niệm. Trước nguyện vọng của nhân dân, Ủy ban vận động Trung ương tổ chức bán đấu giá chiếc áo sợi của Hồ Chí Minh. Chiếc áo bán được với giá 3.500 đồng Đông Dương, tương ứng với 200 cây vàng[4]. Số tiền này được dùng để mua vải may áo ấm tặng bộ đội.

Ngày 25 tháng 9 năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban Trung ương “Mùa đông binh sỹ” với nội dung: …Ủy ban Trung ương Mùa đông kháng chiến giúp binh sỹ chỉ quyên vải vóc quần áo, hoặc công may. Nhưng tôi không biết may, không có vải mà do chỉ có hai bộ đã cũ. Vậy tôi xin quyên góp một tháng lương là 1000 đồng nhờ cụ mua giùm vật liệu và may giùm mấy chiếc áo chiến sỹ gọi là chút lòng thành…”.

Trong phong trào này, Người không ngừng kêu gọi đồng bào ra sức giúp đỡ cho chiến sỹ khỏi lạnh và đủ ấm, có sức diệt thù. 

Văn nghệ sỹ

Ban Vận động sáng tác Trung ương đã tổ chức vận động các văn, nghệ sỹ sáng tác các tác phẩm cổ động cho phong trào này trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp; thời kỳ này xuất hiện rất nhiều tác phẩm:

  • Tranh cổ động nhân dân tham gia phong trào, tranh tuyên truyền...
  • Các bài thơ: "Áo trấn thủ", hay những vần thơ "Em ơi em ngủ say rồi/ Ngọn đèn chị thắp, chị ngồi chị may/ Cho xong áo trấn thủ này/ Gửi người chiến sỹ kịp ngày mùa đông/ Để cho chiến sỹ ấm lòng/ Vững tay cầm súng, ra công diệt thù."...
  • Các bài hát: “Áo mùa đông” (của Đỗ Nhuận)...

Tầng lớp khác

Trong cuộc vận động, nhiều thợ may, hợp tác xã, liên đoàn thợ may của Hà Nội và các địa phương đã xung phong đảm nhận khâu may hàng vạn bộ áo trấn thủ không lấy tiền. Nhiều tầng lớp nhân dân tham gia: các em nhỏ đã góp những đồng tiền bỏ ống tiết kiệm để ủng hộ may áo; chị, em phụ nữ thức khuya, dậy sớm ra sức may áo.

Một số kết quả

Trong hai ngày 16 và 17 tháng 11 năm 1946, nhân dân thủ đô Hà Nội đã quyên góp được trên 30 vạn đồng Đông Dương và một số len, bông đủ làm trên 50.000 lõi bông và vỏ áo trấn thủ.